Siêu âm tim và những điều cần lưu ý?

Siêu âm tim là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chính xác, được áp dụng rộng rãi trong ngành y tế. Siêu âm tim mang lại rất nhiều tác dụng trong việc kiểm tra các bất thường và chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây.

1. Siêu âm tim là gì?

Siêu âm tim là một phương pháp chẩn đoán sử dụng sóng âm tần số cao (siêu âm) để tạo hình ảnh về tim của người được xét nghiệm. Lúc này, các sóng âm thanh tạo ra những hình ảnh chuyển động của trái tim bạn để bác sĩ có thể nhìn rõ kích thước và hình dạng, từ đó phát hiện ra các bất thường (nếu có) của trái tim.

2. Vai trò của siêu âm tim

Trong một số trường hợp như khám sức khỏe tổng quát, tầm soát biến chứng tiểu đường, tầm soát bệnh tim mạch… siêu âm tim đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết bởi xét nghiệm này cho biết:

  • Kích thước và hình dạng của trái tim cũng như kích thước, độ dày và chuyển động thành tim.
  • Trái tim của bạn co bóp và vận động như thế nào.
  • Sức co bóp tống máu của tim
  • Tim của bạn có hoạt động bình thường không.
  • Van tim của bạn có bị hở hay không.
  • Van tim của bạn có bị hẹp không.
  • Có khối u hoặc sự phát triển nhiễm trùng xung quanh van tim của bạn.

Xét nghiệm cũng sẽ giúp bác sĩ của bạn tìm ra các vấn đề với tim của bạn (nếu có) như:

  • Các vấn đề với màng ngoài tim.
  • Các vấn đề với các mạch máu lớn đi vào và rời khỏi tim.
  • Huyết khối (cục máu đông) trong buồng tim của bạn.
  • Các lỗ bất thường thông giữa các buồng tim (thông liên thất, thông liên nhĩ,…)

3. Các loại kỹ thuật siêu âm tim

Có rất nhiều kỹ thuật siêu âm tim khác nhau phù hợp với đa dạng các mục đích khảo sát, cụ thể:

Siêu âm tim qua thành ngực

Siêu âm tim qua thành ngực là một kỹ thuật siêu âm tim vô cùng phổ biến và hoàn toàn không gây đau đớn, khó chịu. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ thoa gel đặc biệt lên thành ngực của bạn với mục đích là giúp sóng âm truyền đi tốt hơn. Tiếp đến, đầu dò siêu âm sẽ được đặt ở trên thành ngực gần tim nhằm ghi lại tín hiệu siêu âm từ tim bạn. Máy tính chuyển đổi sóng âm thành hình ảnh chuyển động trên màn hình.

Siêu âm tim qua thực quản

Trong một số trường hợp, hình ảnh siêu âm qua thành ngực không rõ ràng hoặc không đủ để kết luận, các bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện siêu âm thực quản. Quy trình siêu âm tim qua thực quản khá tương đồng với kỹ thuật nội soi dạ dày. Theo đó, phương pháp này sử dụng đầu dò mỏng hơn gắn vào đầu của ống nội soi. Sau đó, ống này sẽ được đưa vào thực quản và cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về tim so với siêu âm tim qua thành ngực do đầu dò nằm trong thực quản có khoảng cách rất gần với trái tim.

Siêu âm tim 3 chiều

Siêu âm tim 3 chiều (SAT 3D) đã được ứng dụng từ sau năm 2000. Cho đến nay, xét nghiệm này vẫn rất được ưa chuộng bởi hàng loạt các lợi ích như chẩn đoán các vấn đề về tim ở trẻ sơ sinh và trẻ em, tái dựng các hình ảnh cấu trúc phức tạp trong tim, đánh giá chức năng van tim ở những người có bệnh lý van tim hoặc bất thường về cấu trúc tim.

Siêu âm tim gắng sức

Với xét nghiệm này, bạn sẽ đi bộ trên thảm lăn hoặc máy đạp xe tại chỗ có gắn thêm thiết bị đo nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn truyền thuốc có tác dụng làm tăng vận động tương đương với việc tập thể dục. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp nếu người thực hiện gặp phải các vấn đề về tim.

Siêu âm tim thai

Siêu âm tim thai rất cần thiết trong thai kỳ bởi xét nghiệm này có thể tầm soát một số dị tật tim của thai nhi. Siêu âm tim thai được thực hiện phổ biến nhất là dung đầu dò tương tự siêu âm bụng và được tiến hành khi mẹ khám thai định kỳ vào tuần thứ 18 đến tuần thứ 22 của thai kỳ. Tuy nhiên có thể thực hiện siêu âm tim thai sớm (thời điểm 11 – 16 tuần) để phát hiện sớm hơn nữa các dị tật tim thai trong các trường hợp như thai phụ có tiền căn sinh con dị tật tim bẩm sinh trong lần mang thai trước, phát hiện dị tật lớn của cơ quan ngoài tim, độ mờ da gáy dày. Các trường hợp siêu âm tim thai sớm này cần sử dụng đầu dò âm đạo vì khả năng cho hình ảnh tốt hơn đầu dò bụng.

4. Siêu âm tim có tác dụng phụ không?

Siêu âm tim từ bên ngoài như siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm tim 3 chiều và siêu âm tim thai không có tác dụng phụ và hầu như không gây khó chịu. Tuy nhiên, những người siêu âm tim qua thực quản có thể xuất hiện một vài cảm giác khó chịu.

Việc đưa ống dò qua thực quản có thể kích thích phản xạ nuốt trong quá trình thực hiện nên sẽ khiến người được siêu âm có cảm giác đau họng. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc gây mê toàn thân, thuốc an thần và thuốc cản âm trong quá trình thực hiện có thể gây một số phản ứng dị ứng bao gồm đau đầu, buồn nôn, lo lắng…

Bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ về những lo lắng hoặc vấn đề sức khỏe (nếu có) trước khi siêu âm tim

5. Lưu ý trước khi siêu âm tim

Để quá trình siêu âm tim diễn ra thuận lợi, bạn cần lưu ý một số điều sau:

– Chỉ thực hiện siêu âm tim tại các cơ sở y tế uy tín.

– Trong trường hợp siêu âm tim từ bên ngoài cơ thể thì không cần phải chuẩn bị đặc biệt.

– Nếu được bác sĩ chỉ định siêu âm tim qua thực quản, bạn cần phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ.

– Ưu tiên mặc đồ rộng, thoải mái.

Siêu âm tim là loại xét nghiệm quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho việc phòng và điều trị các bệnh có liên quan đến tim mạch. Ngay hôm nay, để đặt lịch hẹn hoặc tìm hiểu thêm về các kỹ thuật siêu âm tim tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Hưng Hà, vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua:

Địa chỉ: Minh Khai, Hưng Hà, Thái Bình
Điện thoại: 02273 955 559
Email: lamhoahh@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *