Dịch vụ tiêm chủng

ĐÓN ĐÔNG AN TOÀN – CẢ NHÀ MÌNH CÙNG TIÊM PHÒNG CÚM

🤧 Những cơn hắt hơi liên tục cùng chiếc mũi nghẹt, những tiếng ho rát họng cùng cơ thể ớn lạnh, mệt mỏi, sốt cao…sẽ lấy đi những phút giây bên nhau của bạn cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
✅ Hãy chủ động TIÊM CÚM cho cả nhà để đập tan cúm trong mùa đông này và tận hưởng cuộc sống, đam mê công việc, hứng thú học tập.
🔰 Tiêm vaccin cúm hàng năm sẽ tạo ra lá chắn an toàn bảo vệ chúng ta khỏi virus cúm. Vaccin cúm: Vaxigrip (Pháp), Influvac (Hà Lan), Gcflu (Hàn Quốc) là những vaccin cúm tốt nhất hiện nay và đã CÓ MẶT TẠI BỆNH VIỆN, SẴN SÀNG CHO MÙA CÚM.
♻ Được trang bị hệ thống bảo quản vaccin theo đúng quy chuẩn, cùng đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng và kho lưu trữ vacccin đa dạng, Phòng tiêm chủng – Bệnh viện ĐK Lâm Hoa Hưng Hà luôn sẵn sàng đồng hành chăm sóc sức khỏe mọi người.
☎ Nhấc máy và gọi ngay hotline: 0353.262.299 để đặt vaccin và được tư vấn đầy đủ nhất lịch tiêm chủng.

Những vắc-xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi

Từ lúc sinh ra đến khi trẻ dưới 1 tuổi là thời điểm bé phải tiêm rất nhiều loại vắc-xin do trong giai đoạn này sức đề kháng của trẻ còn kém nên trẻ rất dễ mắc hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và mắc di chứng cao. Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi dưới đây là thứ tự tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nhất bao gồm cả các loại vắc-xin trong danh sách Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.

1. Những loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh gì?

Những bệnh truyền nhiễm và vắc-xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho những trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.

Trong 10 vắc-xin kể trên, vắc-xin đã được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ dưới 1 tuổi là vắc-xin phòng viêm gan virus B tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, vắc-xin phòng lao được tiêm 1 liều duy nhất trong vòng một tháng đầu sau sinh. Ngoài ra, còn có vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae týp B, sởi.

Trẻ nào không được tiêm vắc-xin: theo quyết định 2301/QĐ-BYT của Bộ y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em quy định:

  • Các trường hợp chống chỉ định:

a) Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

b) Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan….)

c) Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc-xin sống.

d) Không tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

đ) Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.

  • Các trường hợp tạm hoãn:

a) Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

b) Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).

c) Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.

d) Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.

đ) Trẻ có cân nặng dưới 2000g.

e) Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin

Những vắc xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ sốt ≥ 37,5°C cần hoãn việc tiêm vắc-xin

2. Lịch tiêm chủng cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng

 

Theo thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định lịch tiêm như sau:

 

Những vắc xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi 

Những vắc xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi 

 

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng có một số loại vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Dưới đây là danh sách các loại vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng Quốc gia:

  • Vắc-xin BCG: là vắc-xin phòng bệnh lao và cần được trẻ em dưới 1 tuổi tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 30 ngày sau khi trẻ được sinh ra.
  • Vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh: Vắc-xin viêm gan B được sử dụng để phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24h sau sinh.
  • Vắc-xin Quinvaxem/ Combefive (vắc-xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HiB Vắc-xin Quinvaxem/Combefive được tiêm 3 mũi bao gồm:
    • Mũi tiêm 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
    • Mũi tiêm 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
    • Mũi tiêm 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
  • Vắc-xin phòng bại liệt (OPV- uống và IPV- tiêm): giúp trẻ em dưới 1 tuổi phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống:
    • Uống liều thứ 1: khi trẻ tròn 2 tháng tuổi
    • Uống liều thứ 2: khi trẻ tròn 3 tháng tuổi
    • Uống liều thứ 3: khi trẻ tròn 4 tháng tuổi
    • Từ đầu năm 2016, trẻ tròn 5 tháng tuổi được tiêm thêm một liều vắc-xin bại liệt bất hoạt để phòng bệnh.
  • Vắc-xin phòng bệnh sởi: bao gồm có 2 mũi tiêm.
    • Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ tròn 9 tháng tuổi
    • Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
    • Hiện nay đã có vắc-xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc-xin sởi đơn khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
  • Vắc-xin DPT: tiêm nhắc phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và được tiêm khi trẻ tròn 18 tháng.
  • Vắc-xin viêm não Nhật Bản: trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
    • Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ được 1 tuổi.
    • Mũi tiêm thứ 2: cách mũi thứ nhất 1-2 tuần.
    • Mũi tiêm thứ 3: cách mũi thứ hai 1 năm.

3. Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi theo chương trình tiêm chủng dịch vụ:

Chương trình tiêm chủng dịch vụ tương tự như Chương trình tiêm chủng mở rộng và có bổ sung thêm vắc-xin phòng cúm, viêm màng não do não mô cầu BC để đảm bảo phòng bệnh tối ưu nhất cho trẻ như sau:

  • Sơ sinh: tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và vắc-xin BCG phòng lao ( trong 30 ngày sau sinh).
  • Trẻ 2,3,4 tháng tuổi: tiêm vắc-xin 6 trong 1 (Hexaxim, Infanrix Hexa) phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae týp B, viêm gan B.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi: tiêm vắc-xin phòng cúm với 2 liều cách nhau 1 tháng và nhắc lại hàng năm.
  • Vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu BC: tiêm 2 liều cách nhau 6-8 tuần (thường chọn cách 2 tháng).
  • Trẻ 9 tháng tuổi: tiêm vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC hoặc MMR, 6 tháng sau nhắc lại MMR phòng sởi – quai bị – rubella liều 1 và 4 năm sau nhắc mũi MMR liều 2. Trong trường hợp lưu hành dịch sởi, vắc-xin phòng sởi có thể được tiêm sớm hơn từ lúc trẻ 6 tháng tuổi.

4. Tác dụng của tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi

Vắc-xin và tiêm chủng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại nói chung và cho trẻ dưới 1 tuổi nói riêng. Khoảng 85% – 95% số người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh, hạn chế bị tử vong hay bị di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin và tiêm chủng góp phần rất quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Nhờ vậy, vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng phát triển nguồn nhân lực. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ dưới 1 tuổi phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ dưới 1 tuổi nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. Vắc-xin và tiêm chủng làm cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình.

Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung… Bên cạnh đó vắc-xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

4 đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

Bệnh sởi là bệnh dịch nguy hiểm do virus sởi gây ra, có thể gây nhiều biến chứng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt nhỏ nước bọt khi ho, hắt hơi. Biểu hiện bệnh thường có sốt, phát ban trên da tuần tự từ đầu xuống chân, biểu hiện viêm long (ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt,..). Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, tiêu chảy mất nước, tổn thương não hay thậm chí tử vong. Nếu phụ nữ mang thai mắc sởi đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất cao, ngoài ra còn có nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Để phòng bệnh sởi nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi (một số vùng có dịch có thể tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi ), sau đó sẽ nhắc lại bằng vắc-xin phòng sởi – rubella (MR) hoặc sởi – quai bị – rubella (MMR, Priorix, ROR…). Đây là một trong những vắc-xin quan trọng mà mọi trẻ em nên được tiêm ở giai đoạn đầu đời.

1. Sởi có thể mắc ở đối tượng nào?

 

Nguyên nhân chính gây bệnh là virus sởi, do đó người không có kháng thể chống lại virus sởi, không tiêm vắc-xin phòng sởi là người dễ mắc bệnh nhất. Tại Việt Nam, mắc bệnh sởi phổ biến có thể kể đến ở những đối tượng như:

  • Trẻ nhỏ do không còn nhận miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.
  • Trẻ đã tiêm vắc-xin phòng sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
  • Thanh niên, người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng sởi trước đây.

Ở các thành thị, khu dân cư đông người, những vùng đang lưu hành dịch sởi… nguy cơ mắc bệnh sởi ở trẻ em là rất dễ xảy ra. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng sởi là điều cần thiết cho mỗi người đặc biệt là trẻ nhỏ.

Trẻ em
Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh sởi cao

2. Có những loại vắc-xin sởi nào đang được sử dụng?

 

Hiện trên thế giới có hàng chục loại vắc-xin sởi dưới dạng vắc-xin đơn hoặc vắc-xin phối hợp nhiều loại như vắc-xin sởi – rubella hoặc vắc-xin sởi – quai bị – rubella, vắc-xin sởi – quai bị – rubella – thủy đậu. Hiện tại, Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng sởi là vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC và vắc-xin phối hợp sởi – rubella hoặc sởi – quai bị – rubella.

Các vắc-xin này thường là vắc-xin sống giảm độc lực, được trình bày dưới dạng vắc-xin đông khô đi kèm với dung môi hòa tan.

Ngoài ra, đang có nhiều nhà khoa học và các y bác sỹ tham gia nghiên cứu chế tạo vắc-xin dạng xịt.

Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế Việt Nam, thời gian tiêm vắc-xin phòng sởi là vào tháng thứ 9 và tháng thứ 18 trẻ sẽ được nhắc lại vắc-xin phòng sởi – rubella (MR). Theo chương trình tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể tiêm chủng vắc-xin phối hợp sởi – quai bị – rubella sau khi tiêm sởi đơn lúc 9 tháng.

Việc tiêm ngừa vắc-xin phòng sởi là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ và những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, một số trường hợp phải trì hoãn, không thể tiêm loại vắc-xin này.

vac-xin-soi
Vắc-xin sởi – quai bị – rubella kết hợp

3. Bốn đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

 

  • Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị, mắc các bệnh ác tính hay đang sử dụng corticoid liều cao ≥ 2mg/kg/ngày hoặc có tiền sử sử dụng Immunoglobulin trước đó chưa được 3 tháng. Nguyên nhân là do ở những trường hợp này khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm. Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho người chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng có thể tiêm vắc-xin phòng sởi cho những người dương tính với HIV.
  • Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết; người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết hay những người bị nhiễm lao đang tiến triển chưa được điều trị cũng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi.
  • Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho những người phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc-xin sởi trước đây hoặc phản ứng dị ứng với các thành phần có trong vắc – xin (gelatin, neomycin…).
  • Không nên tiêm vắc – xin phòng sởi cho phụ nữ có thai. Các trường hợp sau khi tiêm vắc-xin sởi mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc – xin sống giảm độc lực khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng và tốt nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc – xin.

Mách mẹ những mũi tiêm vắc-xin bảo vệ con cả đời

Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên (một phần hay cả virus hoặc vi khuẩn gây bệnh đã yếu đi) để kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể đặc hiệu giúp bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn hoặc virus đó.

Tiêm vắc-xin cho con yêu đầy đủ và đúng lịch không chỉ giúp tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh nguy hiểm mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Vì vậy, hãy chủ động bảo vệ con yêu bằng cách nắm vững lịch tiêm chủng cho con theo từng độ tuổi cha mẹ nhé.

1. Sơ sinh

  • Viêm gan B: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng viêm gan B giúp con chống lại virus viêm gan B. Mũi tiêm này sẽ được nhắc lại vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng trong mũi vắc-xin kết hợp – thành phần kháng nguyên có chứa viêm gan B.
  • Nếu mẹ mang virus viêm gan B (HBsAg Dương tính) thì cần tiêm vắc-xin và huyết thanh chống virus viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ, tốt nhất là trong 12 giờ đầu sau sinh, tiêm nhắc vắc-xin viêm gan B mũi 2 lúc 1 tháng, mũi 3 lúc 6 tháng tuổi, mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
  • Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ và bị đau ở vết tiêm nên các mẹ đừng lo lắng khi thấy con bị sốt nhé.
https://vinmec.com//uploaded/Tiem%20vacxin%201.png
Tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm

2. Trước khi con tròn 1 tháng tuổi

  • Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác.

3. Khi con 6 tuần đến 4 tháng tuổi

  • Cần tiêm 3 mũi vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do HiB vào 2,3,4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi con 18 tháng tuổi.
  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus cũng rất cần thiết ở giai đoạn này.
  • Ngoài ra trẻ cần tiêm vắc-xin phòng phế cầu để phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu với 3 liều cơ bản cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi và 1 liều nhắc thứ 4 tối thiểu cách liều 3 là 6 tháng.

4. Khi con 6-9 tháng tuổi

  • Tiêm vắc-xin phòng cúm: con có thể gặp một vài tác dụng phụ của triệu chứng giả cúm như hắt hơi, chảy nước mũi trong sau tiêm vắc-xin 1-2 ngày nhưng các mẹ đừng lo lắng, chúng ta vẫn nên tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi với 2 liều cách nhau 1 tháng và nhắc lại hàng năm để phòng biến chứng viêm phổi nặng do cúm.
  • Viêm màng não do não mô cầu nhóm B+C: tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng).
  • Sởi đơn hoặc Sởi – quai bị – rubella có thể tiêm từ lúc 9 tháng tuổi để phòng sởi sớm cho trẻ khi kháng thể chống virus sởi của mẹ truyền cho con đã giảm. Sau khi tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc sởi –quai bị -rubella 6 tháng cần tiêm vắc-xin phòng sởi –quai bị -rubella (thường là 15 tháng tuổi). Những vùng có dịch sởi, vắc-xin MVVAC phòng sởi có thể được tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Tiêm vắc xin
Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ

5. Khi con 9-12 tháng tuổi trở lên

  • Thuỷ đậu: tiêm mũi 1 từ tròn 12 tháng tuổi trở lên và nên tiêm nhắc lại mũi 2 sau 4 năm nếu có nguy cơ cao
  • Viêm não Nhật Bản: xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao là trẻ em từ 2-6 tuổi. Tại Việt Nam, có 2 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là vắc-xin Jevax (vắc-xin bất hoạt sản xuất tại Việt Nam) và Imojev (vắc-xin sống giảm độc lực của hãng Sanofi- Pháp, sản xuất tại Thái Lan).
  • Vắc-xin Jevax: mũi đầu tiên nên tiêm lúc trẻ 1 tuổi, mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần và mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai 1 năm. Sau đó, nhắc lại sau mỗi 3 năm cho đến khi trẻ 15 tuổi.
  • Vắc-xin Imojev: tiêm từ 9 tháng -18 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau 1-2 năm. Nếu từ 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất
  • Nếu hoàn thành xong liệu trình cơ bản 3 mũi Jevax trở lên có thể tiêm nhắc 1 mũi Imojev vào thời điểm nhắc mũi vắc-xin Jevax tiếp theo.
  • Sởi – quai bị – rubella: tiêm sau mũi vắc-xin phòng sởi đơn hoặc MMR tiêm lúc 9 tháng tuổi ít nhất là 6 tháng và nhắc lại sởi – quai bị – rubella liều tiếp theo sau 4 năm để con có miễn dịch đầy đủ. Nếu trước 1 tuổi trẻ chưa được tiêm vắc-xin có kháng nguyên sởi thì có thể tiêm vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella lúc 12 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 sau 4 năm và 6 tháng sau mũi vắc-xin phòng sởi- quai bị-rubella số 1, tiêm tăng cường 1 mũi vắc-xin phòng sởi hoặc sởi –rubella (MR).
  • Viêm gan A: tiêm 2 liều cách nhau 6 tháng. Nếu tiêm vắc-xin phòng viêm gan A của Pháp (Avaxim) có thể bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi. Nếu tiêm vắc-xin Havax sản xuất từ Việt Nam thì bắt đầu tiêm mũi 1 từ 2 tuổi.
  • Vắc-xin phòng dại: có thể tiêm phòng từ 1 tuổi để phòng trước khi bị súc vật cắn.

6. Khi con 18 tháng tuổi

  • Là lịch nhắc lại của vắc-xin phòng bạch hầu, ho hà, uốn ván, bại liệt, HiB, viêm gan B mũi 4.
  • Có thể nhắc lại sởi mũi 2 nếu trẻ mới tiêm được 1 mũi vắc-xin có thành phần kháng nguyên sởi.

7. Khi con 2-3 tuổi

  • Thương hàn: là bệnh nhiễm trùng toàn thân và đường ruột cấp tính do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Vắc-xin phòng thương hàn của Pháp có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi, 3 năm nhắc lại 1 lần.
  • Viêm não mô cầu nhóm A+C: 3 năm nhắc lại 1 lần. Dự kiến vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu AC 4 typ sẽ tiêm cho trẻ bắt đầu sớm hơn.
Tiêm vắc-xin
Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác

8. Khi con trên 4 tuổi

  • Nhắc lại vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản theo lịch; tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm và nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 6 tuổi, nhắc bạch hầu – ho gà – uốn ván lúc 11- 13 tuổi.
  • Vắc-xin phòng HPV: Phòng ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn… và sùi mào gà sinh dục của Mỹ (Gardasil) tiêm cho nữ từ 9-26 tuổi: 3 liều; vắc xin phòng HPV của Bỉ (Cervarix) với 3 liều cũng giúp phòng ung thư cổ tử cung cho nữ từ 10-25 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Hải Hà (Trưởng đơn nguyên Vắc-xin, BV ĐKQT Vinmec Times City – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: Vắc-xin cần bảo quản dây chuyền lạnh 2-8 độ C để đảm bảo chất lượng và có thể có phản ứng phản vệ sau tiêm chủng mặc dù tỉ lệ rất ít nên cha mẹ cần cho trẻ tiêm tại cơ sở y tế có đủ điều kiện về an toàn tiêm chủng, tránh tiêm tại nhà. Và sau khi con tiêm phòng, cha mẹ cũng cần lưu ý lưu lại ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi phản ứng sau tiêm và báo ngay với nhân viên y tế nếu con xuất hiện một trong các triệu chứng sau đây:

  • Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay và sưng to quanh chỗ tiêm
  • Thở khò khè, khó thở, tím tái
  • Đau quăn bụng, ỉa đái không tự chủ
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa
  • Choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật
  • Mạch nhanh nhỏ, khó bắt.

Sau đó trong vòng 24-48 giờ tại nhà, bố mẹ nên theo dõi thêm trẻ sau tiêm để xử trí hạ sốt khi trẻ sốt cao, theo dõi sưng đau vị trí tiêm và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có dấu hiệu bất thường: sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không hạ, nổi mày đay trên da, co giật, li bì, kích thích, quấy khóc kéo dài không dỗ được, tím tái, khó thở, bú kém, bỏ bú….

Vắc-xin Prevenar 13

Prevenar 13 là vắc-xin phòng ngừa viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và các bệnh do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và nếu không được phát hiện, không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Thông tin tóm tắt vắc-xin

Vắc-xin Prevenar 13 được sản xuất bởi tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới – Pfizer (xuất xứ Anh) và được cấp phép lưu hành bởi cục quản lý Dược tại Việt Nam theo số đăng ký: QLVX-H03- 1142-19.

2. Quy cách đóng gói

Hộp 1 bơm tiêm đóng sẵn 1 liều đơn 0,5ml thuốc kèm 1 kim tiêm riêng biệt; Hộp 10 bơm tiêm đóng sẵn 1 liều đơn 0,5ml thuốc kèm 10 kim tiêm riêng biệt.

3. Dạng bào chế

Vắc-xin ở dạng hỗn dịch đồng nhất màu trắng dùng để tiêm bắp trong bơm tiêm đóng sẵn thuốc.

4. Chỉ định

  • Tạo miễn dịch chủ động để phòng ngừa bệnh xâm lấn,viêm phổiviêm tai giữa cấp tính gây ra bởi vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thiếu niên từ 6 tuần đến 17 tuổi.
  • Tạo miễn dịch chủ động để phòng ngừa bệnh xâm lấn và viêm phổi gây ra bởi vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae ở người lớn từ 18 tuổi trở lên và người già.

Prevenar 13 là vắc-xin phòng ngừa viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và các bệnh do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae gây ra

5. Liều dùng và cách dùng

Liệu trình tiêm chủng với Prevenar 13 nên được dựa trên các khuyến cáo chính thức.

Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi (trước sinh nhật 6 tuổi)

Trẻ sơ sinh đã được tiêm liều Prevenar 13 đầu tiên được khuyến cáo hoàn tất liệu trình tiêm chủng với Prevenar 13.

Trẻ sơ sinh từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi

Liệu trình ba liều cơ bản

Liệu trình tiêm chủng khuyến cáo bao gồm bốn liều, mỗi liều 0,5 ml. Liệu trình cơ bản cho trẻ sơ sinh bao gồm 3 liều, liều thứ nhất thường được tiêm lúc 2 tháng tuổi, với khoảng cách tối thiểu 1 tháng giữa các liều. Liều thứ nhất có thể được cho dùng sớm nhất vào lúc sáu tuần tuổi. Liều thứ 4 (Liều nhắc lại) được khuyến cáo cho dùng trong khoảng từ 11 đến 15 tháng tuổi.

Liệu trình hai liều cơ bản

Hoặc, khi Prevenar 13 được cho dùng trong chương trình tiêm chủng thường quy cho trẻ sơ sinh, có thể áp dụng một liệu trình bao gồm ba liều, mỗi liều 0,5 ml. Liều thứ nhất có thể được cho dùng từ lúc 2 tháng tuổi, liều thứ hai dùng 2 tháng sau đó. Liều thứ ba (Liều nhắc lại) được khuyến cáo cho dùng trong khoảng từ 11 đến 15 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng (thai kỳ < 37 tuần)

Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, liệu trình tiêm chủng khuyến cáo bao gồm bốn liều, mỗi liều 0,5ml. Liệu trình cơ bản cho trẻ sơ sinh bao gồm ba liều, liều thứ nhất thường được cho dùng lúc 2 tháng tuổi với khoảng cách tối thiểu 1 tháng giữa các liều. Liều thứ nhất có thể được cho dùng sớm nhất lúc sáu tuần tuổi. Liều thứ tư (liều nhắc lại) được khuyến cáo cho dùng trong khoảng từ 11 đến 15 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh và trẻ em trên 7 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin

7-11 tháng tuổi

2 liều, mỗi liều 0,5 ml, với khoảng cách tối thiểu 1 tháng giữa các liều. Liều thứ 3 được khuyến cáo cho dùng ở tuổi thứ 2.

Trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi

2 liều, mỗi liều 0,5ml, với khoảng cách tối thiểu 2 tháng giữa các liều.

Trẻ em và thiếu niên từ 2 đến 17 tuổi

Một liều đơn 0,5ml.

Lịch tiêm chủng Prevenar 13 cho trẻ sơ sinh và trẻ em trước đó đã được tiêm chủng với vắc-xin cộng hợp 7 dòng vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae type 4, 6B, 9V, 14, 18C, 19F và 23F).

Prevenar 13 chứa cùng 7 type huyết thanh có trong vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn, sử dụng cung protein vận chuyển CRM197.

Trẻ sơ sinh và trả em đã bắt đầu tiêm chủng với vắc xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn có thể chuyển sang dùng Prevenar 13 bất cứ lúc nào trong lịch trình.

Trẻ nhỏ (12-59 tháng tuổi) đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn.

Trẻ nhỏ được xem là đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn nên được tiêm thêm một liều 0,5 ml Prevenar 13 để kích thích sinh đáp ứng miễn dịch với 6 type huyết thanh bổ sung. Liều Prevenar 13 này nên được dùng tối thiểu 8 tuần sau liều vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn cuối cùng.

Trẻ em và thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi

Trẻ em từ 5 đến 17 tuổi có thể được một liều đơn Prevenar 13 nếu trước đó đã được chủng ngừa tối thiểu một liều vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn. Liều Prevenar 13 này nên được cho dùng tối thiểu 8 tuần sau liều vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn cuối cùng.

Người lớn trên 18 tuổi và người cao tuổi

Một liều đơn.

Nhu cầu tiêm nhắc lại bằng một liều Prevenar 13 tiếp theo chưa được thiết lập.

Bất kể tình trạng chủng ngừa phế cầu khuẩn trước đó như thế nào, nếu việc dùng vắc-xin polysaccharide 23 dòng phế cầu khuẩn được xem là thích hợp, Prevenar 13 nên được dùng trước.

Các đối tượng đặc biệt

Những người có bệnh lý sẵn có khiến họ có nguy cơ nhiễm bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn cao hơn (như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm hoặc nhiễmHIV) bao gồm những người trước đó được chủng ngừa tối thiểu một liều vắc-xin polysaccharide 23 dòng phế cầu khuẩn có thể được tiêm thêm tối thiểu một liều Prevenar 13.

Ở những người cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT), liệu trình tiêm chủng khuyến cáo bao gồm bốn liều Prevenar 13, mỗi liều 0,5 ml. Liệu trình cơ bản gồm 3 liều, liều thứ nhất được cho dùng trong khoảng từ 3 đến 6 tháng sau khi cấy ghép với khoảng cách tối thiểu 1 tháng giữa các liều. Liều thứ tư (liều nhắc lại) được khuyến cáo cho dùng 6 tháng sau liều thứ ba.

Cách dùng:

Tiêm bắp. Nơi tiêm ưu tiên là cơ nằm ở mặt trước bên của đùi (cơ đùi ngoài) ở trẻ sơ sinh hoặc cơ delta của phần trên cánh tay ở trẻ em và người lớn.

6. Chống chỉ định

  • Quá mẫn cảm với các hoạt chất, với bất kỳ tá dược hoặc với giải độc tố bạch hầu.
  • Không dùng Prevenar 13 trong thai kỳ
  • Nên hoãn tiêm ở các đối tượng đang bị sốt cao cấp tính. Tuy nhiên không nên trì hoãn việc tiêm chủng do đang mắc nhiễm khuẩn nhẹ.

Vắc-xin này không dùng trong thai kỳ

7. Thận trọng khi sử dụng

Prevenar 13 không được tiêm vào mạch máu.

Cũng như với tất cả các vắc-xin tiêm, luôn luôn sẵn sàng giám sát và điều trị y khoa thích hợp phòng trường hợp xảy ra biến cố phản vệ hiếm gặp sau khi tiêm vắc-xin.

Vắc-xin này không nên được tiêm bắp, cho những người bị giảm tiểu cầu hay có bất kỳ rối loạn đông máu nào bị chống chỉ định tiêm bắp, nhưng có thể được cho tiêm dưới da nếu lợi ích tiềm ẩn vượt trội so với nguy cơ rủi ro.

Prevenar 13 sẽ chỉ bảo vệ khỏi các type huyết thanh Streptococcus pneumoniae có trong vắc-xin và sẽ không bảo vệ khỏi các vi sinh khác gây bệnh xâm lấn, viêm phổi hay viêm tai giữa.

Cũng như với bất kỳ vắc-xin nào, Prevenar 13 có thể không bảo vệ được tất cả các đối tượng đã dùng vắc-xin phòng ngừa bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

Những người bị suy giảm đáp ứng miễn dịch, bất kể do đang sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch, khiếm khuyết di truyền, nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), hoặc các nguyên nhân khác, có thể bị giảm đáp ứng kháng thể với tiêm chủng chủ động.

Không có dữ liệu về an toàn và khả năng sinh miễn dịch của Prevenar 13 cho những người trong các nhóm bị suy giảm miễn dịch đặc hiệu khác.

Nên xem xét nguy cơ có thể bị ngừng thở và nhu cầu theo dõi hô hấp trong 48h -72h khi áp dụng liệu trình tiêm chủng chính cho trẻ sơ sinh rất thiếu tháng (ra đời < 28 tuần mang thai) và đặc biệt là cho những trẻ có tiền sử hô hấp chưa phát triển. Ở nhóm trẻ sơ sinh này lợi ích chủng ngừa là cao, do đó không nên bỏ qua hoặc trì hoãn tiêm chủng.

8. Tác dụng không mong muốn

Phân tích tỷ lệ báo cáo sau khi lưu hành thuốc cho thấy có khả năng tăng nguy cơ co giật, kèm sốt hoặc không kèm sốt, và cơn giảm phản ứng – giảm trương lực (HHE) khi so sánh giữa các nhóm được báo cáo dùng Prevenar 13 cùng Infanrix hexa với các nhóm được báo cáo dùng riêng Prevenar 13.

Trong các nghiên cứu lâm sàng, tính an toàn của Prevenar 13 là tương tự với vắc-xin cộng hợp 7 dòng phế cầu khuẩn. Các tần suất dưới đây dựa trên các phản ứng bất lợi thu được từ các nghiên cứu lâm sàng của Prevenar 13:

  • Rối loạn miễn dịch: hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn bao gồm phù mặt, khó thở, co thắt phế quản
  • Rối loạn hệ thần kinh: ít gặp: Co giật (bao gồm co giật do sốt). Hiếm gặp: cơn giảm phản ứng- giảm trương lực (HHE)
  • Rối loạn tiêu hóa: rất thường gặp: Giảm cảm giác thèm ăn. Ít gặp: Nôn mửa, tiêu chảy
  • Rối loạn da và mô dưới da: thường gặp: Phát ban. Ít gặp: Mày đay hoặc ban giống mày đay
  • Rối loạn chung và tại chỗ tiêm: rất thường gặp: Sốt, khó chịu, bất kỳ loại ban đỏ nào tại chỗ tiêm, chai cứng/sưng hay đau nhức/tăng nhạy cảm, buồn ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ. Ban đỏ tại chỗ tiêm hay chai cứng/sưng 2,5 cm – 7,0 cm (sau liều nhắc lại và ở trẻ lớn hơn (2 đến 5 tuổi). Thường gặp: Sốt > 39 độ C, giảm khả năng vận động tại chỗ tiêm vắc-xin (do đau). Ban đỏ tại chỗ tiêm hay chai cứng/ sưng 2,5cm – 7,0cm (sau liệu trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh). Ít gặp: Ban đỏ tại chỗ tiêm, chai cứng/sưng – 7,0cm

Sau khi tiêm vắc-xin, bạn có thể gặp tình trạng phát ban hoặc ít gặp hơn là nổi mày đay

9. Tương tác với các loại thuốc khác

Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tuần đến 5 tuổi

Prevenar 13 có thể được dùng cùng lúc với bất cứ kháng nguyên nào trong các vắc-xin sau đây, hoặc là vắc-xin đơn trị hay vắc-xin phối hợp: Bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào hay toàn tế bào, haemophilus influenzae type B, bại liệt thể không hoạt động, viêm gan B, não mô cầu thuộc nhóm huyết thanh C, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu và vắc-xin rota virus.

Prevenar 13 cũng có thể được dùng cùng lúc trong khoảng 12 – 23 tháng với vắc-xin

polysaccharide não mô cầu nhóm huyết thanh A, C, W và Y liên hợp với giải độc tố uốn ván cho trẻ em đã được tiêm chủng cơ bản với Prevenar 13.

Người lớn từ 50 tuổi trở lên

Prevenar 13 có thể được cho dùng đồng thời với vắc-xin cúm bất hoạt hóa ba type (TIV) theo mùa.

10. Hạn sử dụng

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

Bảo quản trong tủ lạnh (2 độ C – 8 độ C). Không làm đông băng

Loại bỏ nếu vắc-xin đã bị đông băng . Bảo quản thuốc nguyên trong hộp

Vắc-xin Infanrix-IPV+Hib

1. Giới thiệu về nguồn gốc vắc-xin Infanrix-IPV+Hib

Vắc-xin Infanrix-IPV+Hib được sản xuất bởi công ty GSK (Bỉ) và được cục quản lý dược Việt Nam phê duyệt ngày: 19/02/2019.

Infanrix-IPV/Hib là loại vắc-xin được sử dụng để phòng 5 bệnh nguy hiểm nguy hiểm cho trẻ:

  • Bạch hầu: đây là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến đường thở bị phù nề gây khó thở nghiêm trọng. Vi khuẩn này cũng giải phóng một chất độc có thể gây tổn thương thần kinh, các vấn đề về tim và thậm chí tử vong.
  • Uốn ván– Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết cắt, vết trầy xước hoặc vết thương trên da. Các vết thương có nhiều khả năng bị nhiễm uốn ván như bỏng, gãy xương, vết thương sâu hoặc vết thương có đất, bụi, phân gia súc hoặc có mảnh gỗ trong đó. Vi khuẩn uốn ván giải phóng một loại chất độc gây ra cứng cơ, co cơ đau đớn và thậm chí tử vong. Các cơn co thắt cơ có thể đủ mạnh để gây ra gãy xương cột sống.
  • Ho gà là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, ảnh hưởng đến đường thở. Bệnh gây ho dữ dội nên dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Tiếng ho thường có âm thanh tiếng rít. Ho có thể kéo dài từ một đến hai tháng hoặc lâu hơn. Ho gà cũng có thể gây nhiễm trùng tai, nhiễm trùng ngực, nhiễm trùng phổi, tổn thương não và thậm chí tử vong.
  • Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm do virus bại liệt(virus Polio) gây ra. Bệnh bại liệt có thể làm cho các cơ không thể di chuyển (tê liệt các cơ), bao gồm các cơ cần thiết để thở và đi bộ. Bệnh bại liệt có thể gây biến dạng cánh tay hoặc chân.
  • Haemophilus influenzae type b(Hib) có thể gây phù não do viêm. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như: chậm phát triển trí tuệ, bại não, điếc, động kinh hoặc mù một phần. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể gây phù nề họng và có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở. Ít phổ biến hơn, vi khuẩn này cũng có thể xâm nhập vào máu, tim, phổi, xương, khớp và các mô của mắt và miệng.

2. Quy cách đóng gói và bào chế vắc-xin

2.1. Quy cách đóng gói

Thành phần Infanrix-IPV được đóng sẵn trong bơm tiêm. Thành phần Hib được đóng trong lọ thủy tinh.

Lọ và bơm tiêm đóng sẵn được làm từ thủy tinh trung tính loại I, tuân theo các tiêu chuẩn của Dược điển Châu Âu.

Hộp chứa 1 bơm tiêm (Infanrix -IPV), 2 kim tiêm và 1 lọ bột đông khô (Hib) theo yêu cầu của Việt Nam.

Sau hoàn nguyên, 1 liều vắc-xin Infanrix-IPV+Hib (0,5 ml) có chứa:

Giải độc tố bạch hầu: không ít hơn 30 Đơn vị Quốc tế (IU) (25 Lf)

Giải độc tố uốn ván: không ít hơn 40 Đơn vị Quốc tế (IU) (10 Lf)

Kháng nguyên ho gà Bordetella pertussis

Giải độc tố ho gà (PT): 25 microgram

Ngưng kết tố hồng cầu dạng sợi (FHA): 25 microgram

Pertactin (PRN): 8 microgram

Virus bại liệt (bất hoạt) (IPV)

tuýp 1 ( chủng Mahon ey): 40 đơn vị kháng nguyên D

tuýp 2 (chủng MEF-1): 8 đơn vị kháng nguyên D

tuýp 3 (chủng Saukett): 32 đơn vị kháng nguyên D

Polysaccharide Haemophilus influenzae týp b: 10 microgram

(polyribosylribitol phosphate) (PRP) cộng hợp với protein là giải độc tố uốn ván xấp xỉ 25 microgram.

Aluminium hydroxide có trong trong loại vắc-xin này đóng vai trò như một chất bổ trợ nhằm tăng tốc, cải thiện và/hoặc kéo dài tác dụng bảo vệ của vắc-xin.

Các thành phần khác là: lactose, sodium chloride, medium 199 (chứa axit amin, muối khoáng, vitamin), nước cất pha tiêm.

Thành phần Infanrix-IPV là một hỗn dịch màu trắng đục. Trong quá trình bảo quản, có thể quan sát thấy tủa trắng và phần nước nổi trong. Thành phần Hib của vắc-xin là bột màu trắng.

Infanrix-IPV được đóng sẵn trong bơm tiêm và Hib được đóng trong lọ thủy tinh

2.2 Dạng bào chế

Bột đông khô (Hib) và hỗn dịch (DTPa- IPV) để pha hỗn dịch tiêm

3. Chỉ định và chống chỉ định

3.1 Chỉ định

  • Infanrix-IPV+Hibđược chỉ định để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ từ 2 tháng tuổi phòng ngừa bệnh bạch hầuuốn vánho gà (DTP), bại liệt và Haemophilus influenzae týp b.
  • Infanrix-IPV+Hibcòn được chỉ định để tiêm nhắc lại cho trẻ đã được tiêm chủng phòng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP), bại liệt và Haemophilus influenzae týp b.
  • Infanrix-IPV+Hibkhông bảo vệ được các bệnh gây ra bởi các týp Haemophilus influenzae khác cũng như viêm màng não gây ra bởi các vi sinh vật khác.

3.2 Chống chỉ định

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin hoặc các đối tượng có dấu hiệu quá mẫn sau mũi tiêm vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt bất hoạt hoặc Hib trước đó.

Chống chỉ định dùng Infanrix-IPV+Hib nếu trẻ có biểu hiện bệnh não không rõ nguyên nhân trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng vắc-xin có chứa thành phần ho gà trước đó.

4. Liều dùng và cách dùng

4.1 Liều dùng

Lịch tiêm chủng cơ bản gồm 3 mũi trong 6 tháng đầu đời và có thể bắt đầu từ 2 tháng tuổi . Khoảng cách giữa các mũi tiêm kế tiếp cách nhau ít nhất là 1 tháng.

Một liều tiêm nhắc được khuyến cáo vào năm tuổi thứ 2 và cách mũi tiêm cuối cùng trong lịch chủng ngừa cơ bản ít nhất là 6 tháng.

4.2 Cách sử dụng

Infanrix-IPV+Hib được dùng qua đường tiêm bắp sâu ở phần trước bên của đùi. Các mũi tiêm tiếp theo nên được thay đổi vị trí tiêm ở hai đùi luân phiên.

Nên thận trọng khi tiêm Infanrix-IPV+Hib cho những đối tượng bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn chảy máu vì có thể xảy ra hiện tượng chảy máu sau khi tiêm bắp cho những đối tượng này. Nên đè chặt vị trí tiêm (chà xát) ít nhất trong 2 phút.

Infanrix-IPV+Hib được dùng qua đường tiêm bắp sâu tại vùng đùi

5. Thận trọng khi sử dụng vắc-xin

Nên hỏi tiền sử y khoa trước khi tiêm chủng (nhất là việc tiêm chủng trước đó và các biến cố ngoại ý có khả năng xảy ra) và khám lâm sàng.

Giống như các vắc-xin khác, nên hoãn tiêm Infanrix-IPV+Hib cho các đối tượng đang sốt cao cấp tính. Không chống chỉ định khi có biểu hiện nhiễm khuẩn nhẹ.

Nên thận trọng khi tiêm Infanrix-IPV+Hib cho những đối tượng bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn máu chảy vì có thể xảy ra hiện tượng chảy máu sau khi tiêm bắp cho những đối tượng này.

Cũng như tất cả các vắc-xin dạng tiêm, cần luôn có sẵn các biện pháp điều trị y tế và theo dõi thích hợp đề phòng phản ứng phản vệ hiếm gặp có thể xảy ra sau tiêm chủng.

Người được tiêm chủng có thể bị ngất xỉu sau hoặc thậm chí trước khi tiêm. Đây là một phản ứng tâm lý đối với mũi tiêm. Điều quan trọng là nên có sẵn quy trình để phòng tránh bị thương do ngất xỉu.

Không khuyến cáo sử dụng Infanrix-IPV+Hib cho người lớn, trẻ vị thành niên và trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Cũng như tất cả các vắc- xin bạch hầu, ho gà, uốn ván khác, Infanrix-IPV+Hib được dùng qua đường tiêm bắp sâu ở phần trước bên của bắp đùi. Các mũi tiêm tiếp theo nên được thay đổi vị trí tiêm ở hai đùi luân phiên.

Có thể không đạt được đáp ứng miễn dịch như mong đợi sau khi tiêm chủng cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, ví dụ những bệnh nhân đang trong điều trị ức chế miễn dịch.

Nếu bất kỳ biểu hiện nào dưới đây xảy ra trong khoảng thời gian tiêm chủng với vắc – xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, cần thận trọng khi quyết định sử dụng tiếp vắc- xin có chứa thành phần ho gà. Những biểu hiện bao gồm:

  • Nhiệt độ ≥ 40,0oC (đo ở hậu môn) trong vòng 48 giờ mà không phát hiện nguyên nhân nào khác;
  • Trụy mạchhoặc tình trạng giống shock (cơn giảm trương lực cơ – giảm đáp ứng) trong vòng 48 giờ sau tiêm chủng;
  • Quấy khóc kéo dài dỗ không nín ≥ 3 giờ, xuất hiện trong vòng 48 giờ sau tiêm chủng;
  • Co giật kèm hoặc không kèm theo sốt, xuất hiện trong vòng 3 ngày sau tiêm chủng.

Tuy nhiên, do những biến cố trên không liên quan đến các biến chứng lâu dài, có những trường hợp, ví dụ khi tần suất mắc ho gà cao thì lợi ích tiềm tàng sẽ lớn hơn các nguy cơ có thể xảy ra.

Ở những trẻ có các rối loạn thần kinh tiến triển, bao gồm các chứng co thắt ở trẻ nhũ nhi, động kinh không kiểm soát hoặc bệnh não tiến triển, tốt hơn nên hoãn tiêm vắc-xin ho gà (vô bào hoặc toàn tế bào) cho đến khi bệnh khỏi hoặc ổn định. Tuy nhiên, quyết định có tiêm phòng hay không phải tùy thuộc từng trường hợp cụ thể sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng về nguy cơ và lợi ích của việc tiêm phòng.

Không chống chỉ định dùng Infanrix-IPV+Hib khi trẻ có tiền sử sốt co giật, tiền sử gia đình về co giật hay hội chứng tử vong đột ngột ở nhũ nhi (SIDS), tiền sử gia đình có biến cố bất lợi khi chủng ngừa với DTP, IPV và/hoặc Hib.

Nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) không được xem là chống chỉ định.

Kháng nguyên vỏ polysaccharide Hib được bài tiết vào nước tiểu sau khi tiêm vắc xin, vì vậy trong vòng 1-2 tuần sau khi tiêm vắc xin, xét nghiệm phát hiện kháng nguyên trong nước tiểu có thể không có giá trị chẩn đoán trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc bệnh do Hib.

Không tiêm Infanrix-IPV+Hib vào tĩnh mạch trong bất kể trường hợp nào.

Khi thực hiện chủng ngừa cơ bản cho trẻ sinh cực non (sinh ≤ 28 tuần tuổi thai) đặc biệt ở những trẻ sinh non có tiền sử chưa trưởng thành phổi, có nguy cơ tiềm tàng gây ngưng thở và cần theo dõi hô hấp trong vòng 48-72 giờ sau khi tiêm vắc-xin. Lợi ích của việc tiêm vắc-xin ở các đối tượng này là cao, vì vậy không nên trì hoãn hay từ chối việc tiêm phòng.

  • Tương tác

Theo thực hành tiêm chủng trẻ em hiện nay về việc có thể tiêm các vắc -xin khác nhau trong cùng một buổi tiêm, Infanrix-IPV+Hib có thể tiêm cùng với vắc -xin viêm gan B.

Nên tiêm vắc- xin Infanrix-IPV+Hib đã hoàn nguyên và vắc- xin tiêm khác ở những vị trí tiêm khác nhau.

Cũng như các vắc- xin khác, có thể không đạt được đáp ứng miễn dịch như mong đợi ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch.

  • Thai kỳ và cho con bú

Do Infanrix-IPV+Hib không được sử dụng cho người lớn nên không có thông tin về việc an toàn khi sử dụng vắc -xin trong thai kỳ hoặc cho con bú.

6. Tác dụng không mong muốn

Biểu hiện toàn thân và tại chỗ tiêm

-Rất phổ biến: phản ứng tại chỗ tiêm như đau, đỏ, sưng tại chỗ tiêm (≤ 50mm), sốt (≥ 38oC)

-Phổ biến: phản ứng tại chỗ tiêm bao gồm nề cứng, sưng tại chỗ tiêm (> 50mm)1,

-Không phổ biến: sốt > 39,5oC, mệt mỏi, sưng lan tỏa chi được tiêm, đôi khi lan đến khớp gần kề

7. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản

7.1 Hướng dẫn sử dụng/xửlý

Trước khi sử dụng, nên kiểm tra bằng mắt xem hỗn dịch Infanrix – IPV và bột Hib và vắc xin sau hoàn nguyên xem có bất kỳ thay đổi vật lý nào hay không. Loại bỏ vắc- xin nếu có bất kỳ thay đổi nào.

Vì vắc- xin có thể lắng cặn màu trắng trong quá trình bảo quản, nên lắc kỹ hỗn dịch Infanrix – IPV trước khi hoàn nguyên.

Vắc- xin phải được hoàn nguyên bằng cách cho toàn bộ phần Infanrix – IPV trong bơm tiêm vào lọ chứa bột Hib. Chỉ những thành phần của vắc- xin mới được trộn vào nhau mà không trộn lẫn với các vắc- xin khác hoặc các thành phần thuộc lô khác. Sau khi trộn hỗn dịch Infanrix -IPV vào bột Hib, hỗn hợp nên được lắc kỹ.

Vắc- xin Infanrix-IPV+Hib sau khi hoàn nguyên là hỗn dịch có màu hơi đục hơn so với hỗn dịch DTPa- IPV ban đầu. Đây là một hiện tượng quan sát bình thường. Loại bỏ vắc xin nếu quan sát thấy bất thường.

Khi tiêm vắc xin, cần tháo và bỏ kim tiêm thứ nhất và thay thế bằng kim tiêm thứ hai. Nên tiêm vắc -xin ngay sau khi hoàn nguyên. Rút hết phần vắc- xin trong lọ.

Nên hủy bỏ sản phẩm không được sử dụng hoặc vật liệu không dùng theo quy định.

7.2 Bảo quản

Các thành phần Infanrix-IPV và Hib nên được bảo quản ở +2 độ C đến +8 độ C.

Không để đông đá thành phần Infanrix-IPV. Loại bỏ nếu thành phần này bị đông đá. Tránh ánh sáng. Nên tuân thủ khuyến cáo về điều kiện bảo quản vắc- xin trong quá trình vận chuyển.

7.3 Hạn sử dụng

36 tháng kể từ ngày sản xuất

Hạn dùng của Vắc -xin được ghi trên nhãn và vỏ hộp

Vắc-xin viêm não Nhật Bản IMOJEV và JEVAX

Tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động phòng ngừa hữu hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh viện Đa khoa Lâm hoa hưng hà đang cung cấp dịch vụ chủng ngừa viêm não Nhật Bản với 2 loại vắc-xin là IMOJEV và JEVAX.

1. Sự nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền do vật trung gian là muỗi. Ước tính, có khoảng 20 – 30% trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản và có tới 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh, vận động nặng nề sau mắc bệnh. Những di chứng của bệnh gồm: Sống thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, Parkinson, yếu chi,…

Và cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản duy nhất chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa theo đúng liều, đúng lịch. Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong và các di chứng do viêm não Nhật Bản gây ra.

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây biến chứng động kinh

2. Tổng quan về 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản đang lưu hành tại Việt Nam

2.1 Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX

Vắc-xin viêm não Nhật Bản JEVAX được chỉ định dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng là người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Chống chỉ định

  • Người quá nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin;
  • Mắc các bệnh bẩm sinh;
  • Mệt mỏi, sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm trùng đang tiến triển;
  • Mắc bệnh tim, thận, gan, tiểu đường, ung thư máu và các bệnh ác tính;
  • Mắc bệnh quá mẫn;
  • Phụ nữ có thai.

Liều tiêm, đường tiêm

Đường tiêm: Dưới da

Liều tiêm:

  • Trẻ từ ≥ 12 tháng tuổi đến ≤ 36 tháng tuổi: Tiêm 0,5ml/liều;
  • Trẻ từ > 36 tháng tuổi và người lớn: Tiêm 1,0 ml/liều.

Lịch tiêm

Sơ chủng:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;
  • Mũi 2: Tiêm sau mũi thứ nhất từ 1– 2 tuần.
  • Mũi 3: Tiêm sau mũi thứ nhất 1 năm.

Tiêm nhắc lại: Một liều tiêm dưới da, 3 năm nhắc lại một lần để duy trì khả năng miễn dịch.

Tác dụng phụ sau tiêm

  • Phản ứng tại chỗ: Gồm đỏ vùng tiêm, sưng tấy chỗ tiêm biểu hiện ở các mức độ khác nhau;
  • Phản ứng toàn thân: Gồm ớn lạnh, đau đầu, sốt,…tùy cơ địa và hiếm khi xảy ra.

Bảo quản

  • Bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ 2 – 8oC;
  • Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp;
  • Không làm đông băng.