Kiến thức tiêm chủng

Những vắc-xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi

Từ lúc sinh ra đến khi trẻ dưới 1 tuổi là thời điểm bé phải tiêm rất nhiều loại vắc-xin do trong giai đoạn này sức đề kháng của trẻ còn kém nên trẻ rất dễ mắc hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và mắc di chứng cao. Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi dưới đây là thứ tự tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nhất bao gồm cả các loại vắc-xin trong danh sách Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.

1. Những loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh gì?

Những bệnh truyền nhiễm và vắc-xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho những trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.

Trong 10 vắc-xin kể trên, vắc-xin đã được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ dưới 1 tuổi là vắc-xin phòng viêm gan virus B tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, vắc-xin phòng lao được tiêm 1 liều duy nhất trong vòng một tháng đầu sau sinh. Ngoài ra, còn có vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae týp B, sởi.

Trẻ nào không được tiêm vắc-xin: theo quyết định 2301/QĐ-BYT của Bộ y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em quy định:

  • Các trường hợp chống chỉ định:

a) Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

b) Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan….)

c) Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc-xin sống.

d) Không tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

đ) Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.

  • Các trường hợp tạm hoãn:

a) Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

b) Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).

c) Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.

d) Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.

đ) Trẻ có cân nặng dưới 2000g.

e) Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin

Những vắc xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ sốt ≥ 37,5°C cần hoãn việc tiêm vắc-xin

2. Lịch tiêm chủng cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng

 

Theo thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định lịch tiêm như sau:

 

Những vắc xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi 

Những vắc xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi 

 

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng có một số loại vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Dưới đây là danh sách các loại vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng Quốc gia:

  • Vắc-xin BCG: là vắc-xin phòng bệnh lao và cần được trẻ em dưới 1 tuổi tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 30 ngày sau khi trẻ được sinh ra.
  • Vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh: Vắc-xin viêm gan B được sử dụng để phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24h sau sinh.
  • Vắc-xin Quinvaxem/ Combefive (vắc-xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HiB Vắc-xin Quinvaxem/Combefive được tiêm 3 mũi bao gồm:
    • Mũi tiêm 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
    • Mũi tiêm 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
    • Mũi tiêm 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
  • Vắc-xin phòng bại liệt (OPV- uống và IPV- tiêm): giúp trẻ em dưới 1 tuổi phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống:
    • Uống liều thứ 1: khi trẻ tròn 2 tháng tuổi
    • Uống liều thứ 2: khi trẻ tròn 3 tháng tuổi
    • Uống liều thứ 3: khi trẻ tròn 4 tháng tuổi
    • Từ đầu năm 2016, trẻ tròn 5 tháng tuổi được tiêm thêm một liều vắc-xin bại liệt bất hoạt để phòng bệnh.
  • Vắc-xin phòng bệnh sởi: bao gồm có 2 mũi tiêm.
    • Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ tròn 9 tháng tuổi
    • Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
    • Hiện nay đã có vắc-xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc-xin sởi đơn khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
  • Vắc-xin DPT: tiêm nhắc phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và được tiêm khi trẻ tròn 18 tháng.
  • Vắc-xin viêm não Nhật Bản: trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
    • Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ được 1 tuổi.
    • Mũi tiêm thứ 2: cách mũi thứ nhất 1-2 tuần.
    • Mũi tiêm thứ 3: cách mũi thứ hai 1 năm.

3. Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi theo chương trình tiêm chủng dịch vụ:

Chương trình tiêm chủng dịch vụ tương tự như Chương trình tiêm chủng mở rộng và có bổ sung thêm vắc-xin phòng cúm, viêm màng não do não mô cầu BC để đảm bảo phòng bệnh tối ưu nhất cho trẻ như sau:

  • Sơ sinh: tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và vắc-xin BCG phòng lao ( trong 30 ngày sau sinh).
  • Trẻ 2,3,4 tháng tuổi: tiêm vắc-xin 6 trong 1 (Hexaxim, Infanrix Hexa) phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae týp B, viêm gan B.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi: tiêm vắc-xin phòng cúm với 2 liều cách nhau 1 tháng và nhắc lại hàng năm.
  • Vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu BC: tiêm 2 liều cách nhau 6-8 tuần (thường chọn cách 2 tháng).
  • Trẻ 9 tháng tuổi: tiêm vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC hoặc MMR, 6 tháng sau nhắc lại MMR phòng sởi – quai bị – rubella liều 1 và 4 năm sau nhắc mũi MMR liều 2. Trong trường hợp lưu hành dịch sởi, vắc-xin phòng sởi có thể được tiêm sớm hơn từ lúc trẻ 6 tháng tuổi.

4. Tác dụng của tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi

Vắc-xin và tiêm chủng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại nói chung và cho trẻ dưới 1 tuổi nói riêng. Khoảng 85% – 95% số người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh, hạn chế bị tử vong hay bị di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin và tiêm chủng góp phần rất quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Nhờ vậy, vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng phát triển nguồn nhân lực. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ dưới 1 tuổi phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ dưới 1 tuổi nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. Vắc-xin và tiêm chủng làm cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình.

Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung… Bên cạnh đó vắc-xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

4 đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

Bệnh sởi là bệnh dịch nguy hiểm do virus sởi gây ra, có thể gây nhiều biến chứng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trực tiếp từ người này sang người khác qua giọt nhỏ nước bọt khi ho, hắt hơi. Biểu hiện bệnh thường có sốt, phát ban trên da tuần tự từ đầu xuống chân, biểu hiện viêm long (ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt,..). Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, tiêu chảy mất nước, tổn thương não hay thậm chí tử vong. Nếu phụ nữ mang thai mắc sởi đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất cao, ngoài ra còn có nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Để phòng bệnh sởi nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi (một số vùng có dịch có thể tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi ), sau đó sẽ nhắc lại bằng vắc-xin phòng sởi – rubella (MR) hoặc sởi – quai bị – rubella (MMR, Priorix, ROR…). Đây là một trong những vắc-xin quan trọng mà mọi trẻ em nên được tiêm ở giai đoạn đầu đời.

1. Sởi có thể mắc ở đối tượng nào?

 

Nguyên nhân chính gây bệnh là virus sởi, do đó người không có kháng thể chống lại virus sởi, không tiêm vắc-xin phòng sởi là người dễ mắc bệnh nhất. Tại Việt Nam, mắc bệnh sởi phổ biến có thể kể đến ở những đối tượng như:

  • Trẻ nhỏ do không còn nhận miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.
  • Trẻ đã tiêm vắc-xin phòng sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
  • Thanh niên, người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng sởi trước đây.

Ở các thành thị, khu dân cư đông người, những vùng đang lưu hành dịch sởi… nguy cơ mắc bệnh sởi ở trẻ em là rất dễ xảy ra. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng sởi là điều cần thiết cho mỗi người đặc biệt là trẻ nhỏ.

Trẻ em
Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh sởi cao

2. Có những loại vắc-xin sởi nào đang được sử dụng?

 

Hiện trên thế giới có hàng chục loại vắc-xin sởi dưới dạng vắc-xin đơn hoặc vắc-xin phối hợp nhiều loại như vắc-xin sởi – rubella hoặc vắc-xin sởi – quai bị – rubella, vắc-xin sởi – quai bị – rubella – thủy đậu. Hiện tại, Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng sởi là vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC và vắc-xin phối hợp sởi – rubella hoặc sởi – quai bị – rubella.

Các vắc-xin này thường là vắc-xin sống giảm độc lực, được trình bày dưới dạng vắc-xin đông khô đi kèm với dung môi hòa tan.

Ngoài ra, đang có nhiều nhà khoa học và các y bác sỹ tham gia nghiên cứu chế tạo vắc-xin dạng xịt.

Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế Việt Nam, thời gian tiêm vắc-xin phòng sởi là vào tháng thứ 9 và tháng thứ 18 trẻ sẽ được nhắc lại vắc-xin phòng sởi – rubella (MR). Theo chương trình tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể tiêm chủng vắc-xin phối hợp sởi – quai bị – rubella sau khi tiêm sởi đơn lúc 9 tháng.

Việc tiêm ngừa vắc-xin phòng sởi là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ và những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, một số trường hợp phải trì hoãn, không thể tiêm loại vắc-xin này.

vac-xin-soi
Vắc-xin sởi – quai bị – rubella kết hợp

3. Bốn đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi

 

  • Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị, mắc các bệnh ác tính hay đang sử dụng corticoid liều cao ≥ 2mg/kg/ngày hoặc có tiền sử sử dụng Immunoglobulin trước đó chưa được 3 tháng. Nguyên nhân là do ở những trường hợp này khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm. Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho người chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng có thể tiêm vắc-xin phòng sởi cho những người dương tính với HIV.
  • Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết; người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết hay những người bị nhiễm lao đang tiến triển chưa được điều trị cũng cần trì hoãn tiêm vắc-xin phòng sởi.
  • Không nên tiêm vắc-xin phòng sởi cho những người phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc-xin sởi trước đây hoặc phản ứng dị ứng với các thành phần có trong vắc – xin (gelatin, neomycin…).
  • Không nên tiêm vắc – xin phòng sởi cho phụ nữ có thai. Các trường hợp sau khi tiêm vắc-xin sởi mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc – xin sống giảm độc lực khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng và tốt nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc – xin.

Mách mẹ những mũi tiêm vắc-xin bảo vệ con cả đời

Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên (một phần hay cả virus hoặc vi khuẩn gây bệnh đã yếu đi) để kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể đặc hiệu giúp bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn hoặc virus đó.

Tiêm vắc-xin cho con yêu đầy đủ và đúng lịch không chỉ giúp tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh nguy hiểm mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Vì vậy, hãy chủ động bảo vệ con yêu bằng cách nắm vững lịch tiêm chủng cho con theo từng độ tuổi cha mẹ nhé.

1. Sơ sinh

  • Viêm gan B: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng viêm gan B giúp con chống lại virus viêm gan B. Mũi tiêm này sẽ được nhắc lại vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng trong mũi vắc-xin kết hợp – thành phần kháng nguyên có chứa viêm gan B.
  • Nếu mẹ mang virus viêm gan B (HBsAg Dương tính) thì cần tiêm vắc-xin và huyết thanh chống virus viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ, tốt nhất là trong 12 giờ đầu sau sinh, tiêm nhắc vắc-xin viêm gan B mũi 2 lúc 1 tháng, mũi 3 lúc 6 tháng tuổi, mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
  • Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ và bị đau ở vết tiêm nên các mẹ đừng lo lắng khi thấy con bị sốt nhé.
https://vinmec.com//uploaded/Tiem%20vacxin%201.png
Tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm

2. Trước khi con tròn 1 tháng tuổi

  • Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác.

3. Khi con 6 tuần đến 4 tháng tuổi

  • Cần tiêm 3 mũi vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do HiB vào 2,3,4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi con 18 tháng tuổi.
  • Uống vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus cũng rất cần thiết ở giai đoạn này.
  • Ngoài ra trẻ cần tiêm vắc-xin phòng phế cầu để phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu với 3 liều cơ bản cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi và 1 liều nhắc thứ 4 tối thiểu cách liều 3 là 6 tháng.

4. Khi con 6-9 tháng tuổi

  • Tiêm vắc-xin phòng cúm: con có thể gặp một vài tác dụng phụ của triệu chứng giả cúm như hắt hơi, chảy nước mũi trong sau tiêm vắc-xin 1-2 ngày nhưng các mẹ đừng lo lắng, chúng ta vẫn nên tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi với 2 liều cách nhau 1 tháng và nhắc lại hàng năm để phòng biến chứng viêm phổi nặng do cúm.
  • Viêm màng não do não mô cầu nhóm B+C: tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 6-8 tuần (thường là 2 tháng).
  • Sởi đơn hoặc Sởi – quai bị – rubella có thể tiêm từ lúc 9 tháng tuổi để phòng sởi sớm cho trẻ khi kháng thể chống virus sởi của mẹ truyền cho con đã giảm. Sau khi tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc sởi –quai bị -rubella 6 tháng cần tiêm vắc-xin phòng sởi –quai bị -rubella (thường là 15 tháng tuổi). Những vùng có dịch sởi, vắc-xin MVVAC phòng sởi có thể được tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Tiêm vắc xin
Thông thường trẻ ít có phản ứng sau tiêm nhưng có thể có bé sốt nhẹ

5. Khi con 9-12 tháng tuổi trở lên

  • Thuỷ đậu: tiêm mũi 1 từ tròn 12 tháng tuổi trở lên và nên tiêm nhắc lại mũi 2 sau 4 năm nếu có nguy cơ cao
  • Viêm não Nhật Bản: xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao là trẻ em từ 2-6 tuổi. Tại Việt Nam, có 2 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản là vắc-xin Jevax (vắc-xin bất hoạt sản xuất tại Việt Nam) và Imojev (vắc-xin sống giảm độc lực của hãng Sanofi- Pháp, sản xuất tại Thái Lan).
  • Vắc-xin Jevax: mũi đầu tiên nên tiêm lúc trẻ 1 tuổi, mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần và mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai 1 năm. Sau đó, nhắc lại sau mỗi 3 năm cho đến khi trẻ 15 tuổi.
  • Vắc-xin Imojev: tiêm từ 9 tháng -18 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau 1-2 năm. Nếu từ 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất
  • Nếu hoàn thành xong liệu trình cơ bản 3 mũi Jevax trở lên có thể tiêm nhắc 1 mũi Imojev vào thời điểm nhắc mũi vắc-xin Jevax tiếp theo.
  • Sởi – quai bị – rubella: tiêm sau mũi vắc-xin phòng sởi đơn hoặc MMR tiêm lúc 9 tháng tuổi ít nhất là 6 tháng và nhắc lại sởi – quai bị – rubella liều tiếp theo sau 4 năm để con có miễn dịch đầy đủ. Nếu trước 1 tuổi trẻ chưa được tiêm vắc-xin có kháng nguyên sởi thì có thể tiêm vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella lúc 12 tháng tuổi, nhắc lại mũi 2 sau 4 năm và 6 tháng sau mũi vắc-xin phòng sởi- quai bị-rubella số 1, tiêm tăng cường 1 mũi vắc-xin phòng sởi hoặc sởi –rubella (MR).
  • Viêm gan A: tiêm 2 liều cách nhau 6 tháng. Nếu tiêm vắc-xin phòng viêm gan A của Pháp (Avaxim) có thể bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi. Nếu tiêm vắc-xin Havax sản xuất từ Việt Nam thì bắt đầu tiêm mũi 1 từ 2 tuổi.
  • Vắc-xin phòng dại: có thể tiêm phòng từ 1 tuổi để phòng trước khi bị súc vật cắn.

6. Khi con 18 tháng tuổi

  • Là lịch nhắc lại của vắc-xin phòng bạch hầu, ho hà, uốn ván, bại liệt, HiB, viêm gan B mũi 4.
  • Có thể nhắc lại sởi mũi 2 nếu trẻ mới tiêm được 1 mũi vắc-xin có thành phần kháng nguyên sởi.

7. Khi con 2-3 tuổi

  • Thương hàn: là bệnh nhiễm trùng toàn thân và đường ruột cấp tính do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Vắc-xin phòng thương hàn của Pháp có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi, 3 năm nhắc lại 1 lần.
  • Viêm não mô cầu nhóm A+C: 3 năm nhắc lại 1 lần. Dự kiến vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu AC 4 typ sẽ tiêm cho trẻ bắt đầu sớm hơn.
Tiêm vắc-xin
Cần tiêm BCG phòng lao để bảo vệ con nhiễm lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác

8. Khi con trên 4 tuổi

  • Nhắc lại vắc-xin phòng sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản theo lịch; tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm và nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 6 tuổi, nhắc bạch hầu – ho gà – uốn ván lúc 11- 13 tuổi.
  • Vắc-xin phòng HPV: Phòng ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn… và sùi mào gà sinh dục của Mỹ (Gardasil) tiêm cho nữ từ 9-26 tuổi: 3 liều; vắc xin phòng HPV của Bỉ (Cervarix) với 3 liều cũng giúp phòng ung thư cổ tử cung cho nữ từ 10-25 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Hải Hà (Trưởng đơn nguyên Vắc-xin, BV ĐKQT Vinmec Times City – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: Vắc-xin cần bảo quản dây chuyền lạnh 2-8 độ C để đảm bảo chất lượng và có thể có phản ứng phản vệ sau tiêm chủng mặc dù tỉ lệ rất ít nên cha mẹ cần cho trẻ tiêm tại cơ sở y tế có đủ điều kiện về an toàn tiêm chủng, tránh tiêm tại nhà. Và sau khi con tiêm phòng, cha mẹ cũng cần lưu ý lưu lại ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi phản ứng sau tiêm và báo ngay với nhân viên y tế nếu con xuất hiện một trong các triệu chứng sau đây:

  • Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay và sưng to quanh chỗ tiêm
  • Thở khò khè, khó thở, tím tái
  • Đau quăn bụng, ỉa đái không tự chủ
  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa
  • Choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật
  • Mạch nhanh nhỏ, khó bắt.

Sau đó trong vòng 24-48 giờ tại nhà, bố mẹ nên theo dõi thêm trẻ sau tiêm để xử trí hạ sốt khi trẻ sốt cao, theo dõi sưng đau vị trí tiêm và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có dấu hiệu bất thường: sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không hạ, nổi mày đay trên da, co giật, li bì, kích thích, quấy khóc kéo dài không dỗ được, tím tái, khó thở, bú kém, bỏ bú….